Theo Bộ GTVT, Công ty CP tư vấn Đầu tư và xây dựng GTVT vừa có báo cáo về phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi (TP HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vì cầu Bình Lợi sau hơn 110 năm khai thác đã bị xuống cấp, chiều cao thông thuyền hiện tại của cầu thấp nên từng có nhiều va chạm giữa các tàu thuyền khi lưu thông qua cầu Bình Triệu, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông đường sắt.

 Đề xuất 5 phương án xây dựng cầu Bình Lợi

Theo đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất 5 phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi. Cụ thể, phương án 1A là cải tạo, sửa chữa thành cầu quay; phương án 1B là cải tạo, sửa chữa thành cầu cất; phương án 1C là cải tạo và sửa chữa nâng toàn bộ cầu cũ; phương án 2A là xây dựng mới cầu Bình Lợi (không di dời ga Bình Triệu); phương án 2B là xây dựng mới cầu Bình Lợi và di dời ga Bình Triệu.

Theo đơn vị tư vấn, các phương án này đều dựa trên nguyên tắc nâng cao an toàn giao thông đường sắt và đường thủy nội địa khu vực cầu Bình Lợi; đảm bảo giao thông thông suốt cho cả đường sắt và đường thủy trong quá trình khai thác; đảm bảo khả thi về nguồn vốn đầu tư; có tính kế thừa, phù hợp với quy hoạch phát triển đường sắt; phương án thi công phải hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng công tác chạy tàu hàng ngày trên khu gian Bình Triệu - Hòa Hưng.

Trong số 5 phương án được đưa ra, phương án 2A xây dựng mới cầu Bình Lợi mà không di dời ga Bình Triệu và phương án 1C cải tạo và sửa chữa cầu cũ, vừa đảm bảo cho đường sắt và ít ảnh hưởng đến đường thủy nội địa được đánh giá là khả thi hơn cả.

Bộ GTVT đã yêu cầu tư vấn phải làm rõ ảnh hưởng của từng phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi đối với đường thủy và đường sắt, trong đó đi sâu và phân tích rõ về phương án 1C và phương án 2A.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top