Chi phí vận tải gia tăng từ tháng 4 khiến nhiều loại vật liệu xây dựng thiết lập mặt bằng giá mới.

Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) vừa tổ chức cuộc họp khẩn với gần 100 doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh để đi đến thống nhất việc tăng giá đồng loạt trên toàn quốc.

Giá bán lẻ gốm sứ xây dựng đã tăng 5-10% so với trước

Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch VIBCA, vận tải là loại chi phí đáng kể trong lưu thông gốm sứ xây dựng và được cấu thành trong giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Nhiều năm qua, các phương tiện giao thông đường bộ đã hoán cải, gia cố, vận chuyển tăng gấp 2 - 3 lần tải trọng trên phương tiện đăng ký, nên chi phí vận tải cho mỗi mét vuông gạch ốp lát, sứ vệ sinh giảm xuống.

Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu về tải trọng xe để đảm bảo an toàn đường bộ sẽ khiến chi phí vận tải cho mỗi mét vuông gạch ốp lát và sứ vệ sinh tăng khoảng 15 - 20% so với trước. Đó là lý do các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thống nhất đưa ra phương án điều chỉnh giá cho phù hợp với thực tế.

Theo tinh thần của cuộc họp giữa VIBCA với các doanh nghiệp, từ ngày 20/4, gạch ốp lát - cotto và sứ vệ sinh là những mặt hàng đầu tiên công bố điều chỉnh giá bán. Cụ thể, tất cả các đại lý, cửa hàng tiêu thụ gạch ốp lát và sứ vệ sinh trong toàn quốc đều điều chỉnh giá bán cho phù hợp dần với chi phí tăng lên, với mức điều chỉnh tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và phản ứng của thị trường.

Ông Trương Ngọc Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Granite Tiên Sơn cho hay, cước vận tải gia tăng mạnh, doanh nghiệp sản xuất không thể giữ mặt bằng giá cũ. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào thị phần, địa bàn tiêu thụ để đưa ra mức điều chỉnh phù hợp.

“Tăng giá, nhưng sẽ ‘nhìn trước nhìn sau’ để thị trường không bị biến động mạnh, với phương châm giảm lỗ, hoặc phương án kỳ vọng nhất là thu đủ bù chi, đó là mục tiêu của ngành gốm sứ”, ông Huy cho biết thêm.

Chi phí vận tải gia tăng, không sớm thì muộn, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép… đều phải tính đến chuyện điều chỉnh giá bán. Nhưng đưa ra mức tăng như thế nào thì còn tùy thuộc tình hình của từng doanh nghiệp.

Đại diện Công ty Xi măng Nghi Sơn cho biết, đơn vị nhận vận chuyển xi măng cho Công ty đã thông báo bảng cước mới, tăng từ khoảng 250.000 - 300.000 đồng lên 600.000 đồng/tấn. Với cước vận tải tăng gấp đôi như vậy, dù không khẳng định, nhưng trong thời gian tới, giá bán xi măng của doanh nghiệp này sẽ phải điều chỉnh.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), cũng đang tính chuyện điều chỉnh giá bán sản phẩm để các doanh nghiệp không bị thua thiệt. Trong tháng 5 này, Vicem sẽ cùng các doanh nghiệp thành viên thống nhất các phương án tăng giá hợp lý, đồng thời sẽ “vẽ lại” bản đồ phân phối của Tổng công ty. “Không chỉ vậy, Vicem sẽ tiến hành những nghiên cứu cần thiết để có thể sử dụng ở mức cao nhất các loại hình vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, nhằm hạ giá thành vận tải”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Vicem cho biết.

Dạo qua thị trường vật liệu xây dựng tại Hà Nội tại thời điểm này, hầu hết các đại lý, nhà phân phối xi măng, sắt thép, gạch ốp lát… đều thông báo giá bán lẻ cao hơn trước 5 - 10%. Ông Trần Thanh Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Đạt (Cát Linh, Giảng Võ, Hà Nội) cho hay, Công ty nhận được thông báo điều chỉnh giá từ các nhà sản xuất từ 1 tuần nay. Tuy nhiên, đối với những lô hàng giao từ trước đó, Công ty vẫn giữ nguyên giá.

Thế Hải / Tin Nhanh Chứng Khoán / (baodautu . vn)

2 nhận xét:

 
Top